Bảo tồn động vật hoang dã là việc thực hành bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng. Mục tiêu của việc này là để đảm bảo rằng giới tự nhiên sẽ được bảo vệ để che chở cho các thế hệ tương lai và giúp loài người nhận ra tầm quan trọng của động vật hoang dã và môi trường hoang dã đối với con người và các loài khác nhau trên hành tinh này.

Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam là xu hướng tất yếu và yêu cầu cần thiết hiện nay.

Việt Nam - Điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã trái phép

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, nhưng nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam có lúc đã ở mức đáng báo động, điều này đã khiến cho danh mục động vật nằm trong “sách đỏ” của Việt Nam ngày một tăng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm nóng về trung chuyển, săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới. Từ đó tạo ra những hình ảnh không tốt trong mắt du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam...

Không những vậy, Việt Nam còn nổi tiếng là nơi có thể mua nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã để làm quà lưu niệm của khách du lịch. Ngay cả các món đặc sản thú rừng cũng được quảng cáo, mời chào nhiệt tình, đáp ứng nhu cầu của thực khách, nhất là khách du lịch châu Á…

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, tổng lượng động vật hoang dã sống và thịt được buôn bán trên địa bàn Việt Nam hàng năm vào khoảng 3.000 tấn, trong đó 45 - 50% được tiêu thụ trong nước, số còn lại được xuất bất hợp pháp qua biên giới Trung Quốc (qua cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn) và các nước Đông Á khác. Hầu hết thịt động vật hoang dã được tập trung tiêu thụ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mà điển hình là ở làng Lệ Mật, chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và ở quận Bình Chánh, chợ Cầu Mống (thành phố Hồ Chí Minh).

Loại động vật hoang dã đắt nhất trên thị trường hiện nay là rùa vàng, giá khoảng 40 triệu đồng/1kg, loài rùa này hầu như đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Giá 1kg tê tê tại biên giới Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cao gấp 4 lần tại Đông Hà (tỉnh Quảng Trị)… Lợi nhuận là nguyên nhân chính khiến các tay buôn bán và săn bắt động vật hoang dã tăng cường săn lùng, tìm kiếm và bất chấp pháp luật. Lợi nhuận từ việc buôn bán động vật hoang dã rất lớn là nguyên nhân khiến tình trạng buôn bán động vật hoang dã gia tăng.

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Song, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho biết, tổng doanh thu hàng năm do buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã ước tính 66,5 triệu USD, trong đó 21 triệu USD tiền lãi. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, số lượng động vật sống và thịt tiêu thụ nội địa và qua biên giới bị phát hiện bắt giữ bình quân từ năm 1997 đến năm 2002 mới chỉ bằng 3,1% so với thực tế.

Theo bà S.Ferguson, đại diện Mạng lưới giám sát bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu, hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã là một trong những mối đe dọa lớn đến bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam và khu vực. Điều đáng nói, hoạt động này còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến của Việt Nam, khiến sụt giảm khách và nguồn thu.

“So với nhiều quốc gia khác, du lịch Việt Nam có lợi thế lớn về tự nhiên, các loài động vật hoang dã, cho nên không lý do gì mà lại đánh mất lợi thế đó”, bà S.Ferguson lưu ý.

Du lịch có trách nhiệm và bảo tồn động vật hoang dã

Thực tế cho thấy, bên cạnh các mục tiêu tăng trưởng, việc bảo đảm không gây tác động tiêu cực đến thiên nhiên, trong đó có động vật hoang dã là vấn đề đáng quan tâm đối với du lịch Việt Nam.

Mới đây, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình tập huấn về du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã cho 150 hướng dẫn viên du lịch và các nhà quản trị lữ hành trên địa bàn thủ đô.

Tham gia lớp tập huấn, các học viên được trang bị những kiến thức về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn động vật hoang dã; thực trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã và dẫn chứng các hành vi buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật qua kênh du lịch. Cảnh báo những rủi ro liên quan đến hành vi giới thiệu, môi giới mua bán các sản phẩm động vật hoang dã. Đặc biệt lớp tập huấn còn chia sẻ một số mô hình tốt, bài học hay về du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã trên thế giới và Việt Nam.

Chương trình tập huấn diễn ra trong 4 ngày, từ 22-25/06/2022. 150 học viên tham gia tập huấn được chia thành 3 lớp, mỗi lớp học trong một ngày tại Hà Nội. Ngày cuối cùng của khóa học (25/06) các học viên sẽ được tham quan, trải nghiệm thực tế tại Khu du lịch Vườn chim Thung Nham, tỉnh Ninh Bình.

“Trong bối cảnh ngành du lịch đang cố gắng phục hồi hoạt động, hướng đến mục tiêu trong năm 2022 có thể đón 5 triệu lượt khách quốc tế, việc phát triển du lịch gắn với trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững là một trong những giải pháp giúp ngành du lịch phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ khẳng định.

Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Việt Nam hiện có 33 vườn quốc gia, 57 khu dự trữ thiên nhiên, 13 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 khu bảo vệ cảnh quan và 9 khu dự trữ sinh quyển… qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour đặc trưng cho từng địa phương, vùng miền.

Nghiên cứu của WWF và GlobeScan cho thấy, một bộ phận không nhỏ du khách có xu hướng thích mua sắm các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đặc biệt, báo cáo cho biết cứ 10 du khách Trung Quốc thì có một người có ý định mua ngà voi khi du lịch tại các nước châu Á như Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

“Chúng tôi ủng hộ sáng kiến của WWF - Việt Nam về việc tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức cho đối tượng hướng dẫn viên và nhà quản trị lữ hành về du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Trong bối cảnh ngành du lịch đang cố gắng phục hồi hoạt động, hướng đến mục tiêu trong năm 2022 có thể đón 5 triệu lượt khách quốc tế, việc phát triển du lịch gắn với trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững là một trong những giải pháp giúp ngành du lịch phát triển bền vững”, Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ khẳng định.

Ngành Du lịch cũng đang hướng đến các hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong ngành Du lịch tích cực tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam và trên thế giới.

Với hệ thống hơn 180 khu bảo tồn, Việt Nam hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm dựa vào thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam là xu hướng tất yếu và yêu cầu cần thiết hiện nay.